ads

Bài cúng giao thừa đơn giản

Mỗi năm tết đến xuân về là lòng chúng ta lại rạo rực khuôn nguôi. Ai cũng mong muốn trở về đoàn tụ bên gia đình, ngồi bên nồi bánh chưng đỏ lửa và làm mâm cỗ cúng tất niên, cúng bao sái bát hương, cúng giao thừa...Vậy cúng giao thừa có ý nghĩa như thế nào? Cách sắm lễ và các tục lệ của ngày tết Nguyên Đán là gì? Bài viết này của thietkenhathoho.com sẽ giúp bạn tìm được đáp án.

Vì sao phải cúng giao thừa?

Vì sao phải cúng giao thừa?

 

Giao thừa là thời khắc thiêng liêng trời đất giao hòa, âm dương hòa quyện để vạn vật bừng lên sức sống mới. Đối với người Việt ta thì giây phút giao thừa là khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng và trọng đại. Lễ cúng giao thừa hay còn gọi là Trừ tịch được cử hành vào đúng lúc giao thừa  (hết giờ Hợi ngày 30 sang giờ Tý ngày mùng 1 tết). Đây là nghi lễ để trừ khử ma quỷ, điềm xấu hay xui xẻo của năm cũ, chào đón một năm mới bình an sắp đến. 

Ý nghĩa của lễ cúng Giao thừa ( hay Lễ Trừ tịch)

Ý nghĩa của lễ cúng Giao thừa

 

Người xưa tin rằng: Mỗi một năm sẽ có một vị Hành Khiển trông coi việc nhân gian, hết năm thì vị Thần năm cũ sẽ bàn giao lại công việc cho thần năm mới, nên phải cúng giao thừa ngoài trời để tiền thần cũ và đón thần mới. Có 12 vị Hành Khiển và 12 vị Phán Quan (Phán Quan là thần giúp việc cho thần Hành Khiển). Mỗi vị làm một năm dưới nhân gian và cứ sau 12 năm lại có sự luân phiên trở lại. Vương hiệu của 12 vị Hành Khiển, Phán Quan là:

  1. Năm Tý: Chu Vương Hành khiển, Lý Tào phán quan, Thiên Ôn hành binh chi thần.
  2. Năm Sửu: Triệu Vương Hành khiển, Khúc Tào phán quan, Tam Thập lục Thương hành binh chi thần.
  3. Năm Dần: Ngụy Vương Hành khiển, Tiêu Tào phán quan, Mộc Tinh hành binh chi thần.
  4. Năm Mão: Trịnh Vương Hành khiển, Liễu Tào phán quan, Thạch Tinh hành binh chi thần.
  5. Năm Thìn: Sở Vương Hành khiển, Hỏa Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan.
  6. Năm Tỵ: Ngô Vương Hành khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.
  7. Năm Ngọ: Tần Vương Hành khiển, Ngọc Tào phán quan, Thiên Mao hành binh chi thần.
  8. Năm Mùi: Tống Vương Hành khiển, Lâm Tào phán quan, Ngũ Đạo hành binh chi thần.
  9. Năm Thân: Tề Vương Hành khiển, Tống Tào Phán quan, Ngũ Miếu hành binh chi thần.
  10. Năm Dậu: Lỗ Vương Hành khiển, Cự Tào phán quan, Ngũ Nhạc hành binh chi thần.
  11. Năm Tuất: Việt Vương Hành khiển, Thành Tào phán quan, Thiên Bá hành binh chi thần. 
  12. Năm Hợi: Lưu Vương Hành Khiển, Nguyễn Tào phán quan, Ngũ Ôn hành binh chi thần,.

Trong các bài văn khấn giao thừa, khi dâng hương ngoài trời đều khấn danh vị của các quan Hành khiển và Phán quan ở trên. Năm nào thì khấn với danh vị tương ứng. 

Ngoài việc cúng giao thừa ngoài trời, các gia đình còn làm lễ cúng trong nhà để báo cáo tổ tiên, cầu mong bình an, may mắn.

Ở nhà chung cư có cần cúng giao thừa ngoài trời?

Ở nhà chung cư có cần cúng giao thừa ngoài trời?

 

Nếu gia chủ ở chung cư, thì không nhất thiết phải cúng giao thừa ngoài trời vì chung cư có rất nhiều hộ gia đình sinh sống, không có sân riêng. Mà việc cúng ngoài trời cần đảm bảo 3 yếu tố Thiên - Địa - Nhân, nghĩa là bạn cần đặt lễ vật gần với mặt đất, chứ không được lơ lửng trên tầng lầu cao của chung cư được. Không chỉ vậy, việc phòng cháy chữa cháy ở chung cư rất nghiêm ngặt, mỗi gia đình đều cần có ý thức chung để tránh sự cố hỏa hoạn do đốt vàng mã gây lên.

Để con cháu hiểu được ý nghĩa của việc cúng tất niên, có không khí đón giao thừa, gia chủ có thể xuống dưới sân chung của nhà chung cư để bày lễ cúng (nếu ban quản lý cho phép). Khi thắp hương gia tiên trong nhà chung cư cần tránh xa khu vực nhà bếp và các khu vực đón gió. Đặt đồ giấy tránh xa ngọn lửa. Gia chủ không nên dùng nến cây, bởi gió dễ tắt hoặc đổ gây hỏa hoạn, mà hãy dùng nến cốc, đặt trên một cái đĩa có nước, khi làm xong phải thổi tắt nến để đảm bảo an toàn. lễ xong phải thổi tắt nến đi. Hạn chế tối đa sử dụng hương vòng vì không gian kín của chung cư không thoáng khí, không tốt cho hô hấp của trẻ nhỏ. Khi thắp hương nên mở tất cả cửa chính, cửa sổ trong nhà để lưu thông không khí

Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?

Cúng giao thừa trong nhà hay ngoài trời trước?

 

Theo phong tục truyền thống của Việt Nam thì lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ được tiến hành trước, sau đó mới làm lễ cúng giao thừa trong nhà. Bài cúng giao thừa ngoài sân là để tế lễ đón và tiễn đoàn sứ Phán Quan – Quan Hành Khiển mới và cũ. Còn lễ trong nhà để dâng hương cầu thỉnh đón ông bà về vui vầy cùng con cháu.

Lễ vật cúng trong nhà cần bày biện gọn gàng trên bàn thờ, lễ ngoài sân cũng chuẩn bị đầy đủ đặt lên trên chiếc bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Vào đúng thời điểm giao thừa, người làm lễ phải thắp đèn, nến, rót rượu, rồi khấn vái trước án. Hết 3 tuần hương thì hoá sớ, giấy viết văn khấn và vàng mã. Khi làm lễ ngoài trời xong, gia chủ quay lên thắp hương và đọc văn khấn trên bàn thờ gia tiên. 

Cúng giao thừa ngoài trời

Mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời gồm những gì

Mâm cơm cúng giao thừa ngoài trời gồm những gì

 

Lễ cúng giao thừa ngoài trời cần: Lễ chay: Hương, hoa, đèn, nến, trầu cau, quần áo, mũ hài thần linh (mỗi năm sẽ chọn một màu quần áo mũ hài khác nhau) bánh, kẹo, mứt, oản, lẻ...và mâm lễ mặn với gà trống luộc, thủ lợn luộc, xôi, bánh chưng…

Cách bày mâm lễ cúng giao thừa ngoài trời chuẩn nhất

Mâm cỗ cúng nên đặt ở giữa sân. Những gia đình nào không có sân thì có thể bày biện mâm lễ ngoài cửa chính.

Cúng giao thừa ngoài trời quay hướng nào là câu hỏi rất nhiều người thắc mắc. Thật ra cũng có rất nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người cho rằng hướng Đông Bắc rất tốt (bởi hướng Bắc cúng Thượng Đế, hướng Đông để cúng Thiên Tử). Cũng có gia chủ lựa chọn đặt mâm lễ ở hướng Nam tượng trưng cho Hỷ thần. Hướng Đông tượng trưng cho thần tài, khi cúng người khấn quay mặt theo hướng đó sẽ đón được vượng khí cầu được tài lộc, sức khỏe và mọi điều như ý.

Cách bày mâm lễ chay

Với lễ chay hay mặn thì gia chủ đều chuẩn bị chiếc bàn vững chãi, mặt bàn đủ lớn để bày lễ vật, sau đó trải một tấm vải sạch rồi đặt mâm lễ lên.

Sắp xếp mâm lễ: 

  • Ta đặt xôi và bánh kẹo vào giữa mâm, đặt tiền vàng, gạo muối ở bên cạnh. 
  • Rượu ở phía trước mâm lễ. 
  • Bên cạnh phía tay trái mâm lễ đặt nước ngọt, bia. 
  • Đèn/nến được đặt ở bên phải mâm lễ. 
  • mũ cánh chuồn, lọ hoa và sớ khấn đặt bên cạnh mâm. 
  • Chuẩn bị chén gạo thay cho bát hương, khi hương cháy cắm vào gạo và mâm lễ quay phần ngọn hương cháy ra ngoài.

Cách bày mâm lễ mặn

  • Gà luộc miệng ngâm 1 bông hoa hồng đặt vào giữa mâm, đầu quay hướng đầu ra phía ngoài vành mâm. 
  • Bánh chưng: Bóc vỏ nhưng không cắt miếng, đặt bên cạnh đĩa gà. Nếu dùng xôi gấc thì thay vị trí bánh chưng.
  • Khoanh giò lụa: đặt bên cạnh đĩa bánh chưng.
  • Hoa quả: Để phía sau đĩa bánh chưng và gà.
  • Rượu, nước đặt trước mâm lễ.
  • Trầu cau, vàng mã đặt trên vành mâm.
  • Gạo, muối đặt bên cạnh đĩa hoa quả.
  • Đèn, nến đặt bên cạnh đĩa hoa quả.
  • Mũ cánh chuồn có thể để bên cạnh hoặc phía sau mâm lễ.
  • Lọ hoa tươi để bên cạnh.
  • Cắm hương cháy vào ca gạo, đĩa xôi hoặc để dưới mâm.

Bài cúng giao thừa ngoài trờiNam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Kính lạy:

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Đức Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Con kính lạy Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, chư vị tôn thần

Con kính lạy ngài cựu niên đương cai Triệu Vương Hành Khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.

Con kính lạy ngài đương niên thiên quan Ngụy Vương Hành khiển, Mộc Tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quan.

Con kính lạy các ngài Ngũ Phương, Ngũ Hổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần.

Nay là phút giao thừa năm Tân Sửu với năm Nhâm Dần

Chúng con là: ..., sinh năm: ..., hành canh: ... tuổi, cư ngụ tại số nhà:..., ấp/khu phố:..., xã/phường ..., quận/huyện/ thành phố ..., tỉnh/thành phố ...

Nhân phút thiêng liêng giao thừa vừa tới, năm cũ qua đi, đón mừng năm mới, tam dương khang thái, vạn tượng canh tân. Nay ngài Thái Tuế tôn thần trên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng-đế, giám sát vạn dân, dưới bảo hộ sinh linh tảo trừ yêu nghiệt. Quan cũ về triều cửa khuyết, lưu phúc, lưu ân. Quan mới xuống thay, thể đức hiếu sinh, ban tài tiếp lộc. Nhân buổi tân xuân, tín chủ chúng con thành tâm, sửa biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật-Thánh, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Cựu niên đương cái Thái tuế, ngài Tân niên đương cai Thái tuế chí đức tôn thần, ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương, ngài bản xứ thần linh Thổ địa, ngài Hỷ thần, Phúc đức chính thần, các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, chư vị bản gia Táo quân, và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này, cúi xin giáng lâm trước án thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên kháng thái, vạn sự tốt lành, bốn mùa tám tiết được chữ bình an, gia đạo hưng long thịnh vượng, bách sự hanh thông, ngày ngày được hưởng ơn trời, Phật, chư vị tôn thần.

Chúng con kính cẩn tiến dâng lễ vật, thành tâm cầu nguyện. Cúi xin chín phương trời, mười phương chư Phật cùng chư vị tôn thần chứng giám phù hộ độ trì.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy)

Lễ cúng giao thừa trong nhà

Lễ cúng giao thừa trong nhà

 

Cúng giao thừa trong nhà là một nghi lễ trang trọng và thành kính, toàn thể  thành viên trong gia đình đứng trước bàn thờ gia tiên để cầu khấn cho một năm mới mạnh khỏe, mọi sự bình an, công việc hanh thông, may mắn tốt lành. 

Sắm lễ

Lễ vật cúng giao thừa trong nhà cũng tương tự như sắm lễ ngoài trời, có cỗ mặn, cỗ chay: bánh kẹo, ngũ quả, đèn nến, trầu cau, rượu, vàng mã, Không có quần áo, mũ ngựa thần linh như ngoài sân. 

Sau khi cung kính bày lễ lên bàn thờ gia tiên thì đốt đèn nến, thắp hương và đọc văn khấn giao thừa trong nhà dưới đây:

Văn khấn giao thừa trong nhà

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần)

Nam mô Đương Lai Hạ Sinh Di Lặc Tôn Phật

Nam mô Đông Phương Giáo Chủ Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật

Nam mô Đức Bồ-tát Quán Thế Âm cứu nạn cứu khổ chúng sinh

Con kính lạy chín phương trời, mười phương chư Phật, chư Phật mười phương

Con kính lạy Hoàng Thiên, Hậu Thổ, Long Mạch, Táo Quân, chư vị tôn thần

Các cụ tổ tiên nội ngoại chư vị tiên linh

Nay phút giao thừa năm cũ Tân Sửu với năm Nhâm Dần.

Chúng con là :...sinh năm: ..., hành canh: ...tuổi, ngụ tại số nhà ..., ấp/khu phố ..., xã/phường..., quận/huyện/thành phố ..., tỉnh/thành phố ...

Phút giao thừa vừa điểm, nay theo vận luật, tống cựu nghênh tân, giờ Tý đầu xuân, đón mừng Nguyên đán, tín chủ chúng con thành tâm, tu biện hương hoa phẩm vật, nghi lễ cung trần, dâng lên trước án, cúng dàng Phật- Thánh, dâng hiến tôn Thần, tiến cúng Tổ tiên, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.

Chúng con kính mời: Ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, Hỷ Thần, Phúc đức chính Thần, ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch Tài Thần, các ngài bản gia Táo phủ Thần quân và chư vị Thần linh cai quản ở trong xứ này. Cúi xin giáng lâm trước án, thụ hưởng lễ vật.

Con lại kính mời các cụ tiên linh, Cao tằng Tổ khảo, Cao tằng Tổ tỷ, Bá thúc đệ huynh, Cô di tỷ muội, nội ngoại gia tộc, chư vị hương linh, cúi xin giáng phó linh sàng thụ hưởng lễ vật.

Tín chủ lại kính mời các vị vong linh tiền chủ, hậu chủ, y thảo phụ mộc ở trong đất này, nhân tiết giao thừa, giáng lâm trước án, chiêm ngưỡng tân xuân, thụ hưởng lễ vật.

Nguyện cho tín chủ, minh niên khang thái, vạn sự cát tường, bốn mùa được bình an, gia đạo hưng long, thịnh vượng.

Tâm thành cầu nguyện, lễ bạc tiến dâng, cúi xin chứng giám.

Nam mô A-di-đà Phật (3 lần, 3 lạy).

Sau khi hết 3 tuần hương thì hóa vàng mã dâng cúng.

Những lưu ý khi cúng giao thừa

Cúng giao thừa là nghi thức vô cùng linh thiêng, gia chủ cần chuẩn bị mâm cúng tươm tất. Mặc dù có thể tùy vào hoàn cảnh, điều kiện kinh tế của gia đình, nhưng cả năm mới có 1 lần, báo cáo thành quả của cả một năm lao động gia chủ cũng không nên chuẩn bị quá sơ sài quá.

Tùy phong tục của từng địa phương, vùng miền mà mâm cỗ cúng khác nhau nhưng cơ bản cần có muối gạo, hoa quả, hương, đèn, trà rượu,  xôi, bánh chưng,...

Vào đêm cúng giao thừa, người trong gia đình cần hòa thuận không cãi vã, to tiếng với nhau, tránh làm đổ vỡ đồ vật, không tốt.

Không soi gương vào đêm giao thừa vì như vậy có thể nhìn thấy ma quỷ, đồng thời khiến cả năm gặp nhiều điều không may.

Tục lệ trong đêm giao thừa

Vào đêm giao thừa bước sang năm mới, mỗi nơi có một tục lệ khác nhau. Dưới đây là những tục lệ cổ truyền trong ngày Tết truyền thống của Việt Nam.

Chọn hướng xuất hành

Vào lần ra khỏi nhà đầu tiên trong năm (tức là từ giờ Tý trở đi của năm mới), trước khi ra khởi hành, mọi người cần chọn giờ đẹp, hướng xuất hành hợp tuổi để gặp điều may mắn, hạnh phúc cả năm., 

Đi lễ chùa, đền, đình cầu bình an

Sau khi cúng Giao thừa ở nhà xong, mọi người thường đi lễ ở các đình, chùa, miếu, điện để xin quẻ đầu năm, cầu phúc và cầu may xin Thần, Phật phù hộ độ trì cho bản thân và gia đình năm mới vạn sự như ý, tỷ sự như mơ, triệu triệu bất ngờ, ngân vang hạnh phúc..

Hái lộc đầu năm

Theo quan niệm của dân gian, khi đi lễ chùa đầu năm mọi người sẽ bẻ một cành lá nhỏ gọi là hái lộc đầu năm, với ý nghĩa mang lộc của Thần Phật về nhà. Cành lộc này sẽ được trưng trước bàn thờ gia tiên cho tới khi tàn khô mới bỏ. 

Tuy nhiên ngày nay, hái lộc cũng rất đa dạng. Bạn có thể xin hương lộc tại đình, đền, chùa. Bằng cách đốt một cây hương lớn hoặc một nắm hương đứng khấn vái trước bàn thờ chùa, đình, đền và mang hương đó về cắm tại bát hương Tổ tiên hay Thổ Công ở nhà. Ngọn lửa tượng trưng cho sự phát đạt, lấy lửa từ các nơi thờ tự mang về, tức là bạn đang xin Phật Thánh phù hộ cho gia đình được phát đạt, tài lộc quanh năm. 

Hoặc bạn có thể mua cây mía lộc, ngô lộc, hái cành lộc tại kho bạc, mua bóng bay có màu đỏ...đều được.

Xông nhà năm mới

Người đầu tiên bước vào nhà sau 12h đêm giao thừa tức là người xông nhà năm mới. Nhiều gia đình lựa chọn trước người hợp tuổi với chủ nhà, vía tốt, làm ăn giỏi nhờ xông nhà lấy may. Nếu thành viên trong gia đình muốn tự xông nhà thì cũng chọn người con hợp tuổi với bố (cần ra khỏi nhà trước 12h sau đó qua 12h thì về đem theo cành lộc, hương lộc... đã nói phía trên về xông nhà. 

Tục mua muối đêm giao thừa

Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi là tục lệ truyền thống đến nay vẫn được nhân dân duy trì. Mua muối với mục đích xua đuổi tà ma, xui xẻo. Bên cạnh đó còn thể hiện sự gắn kết các thành viên trong gia đình, mong muốn con cái khỏe mạnh, gia đình êm ấm.

Chúc Tết

Gửi đến lời chúc Tết đến những người thân yêu của bạn trong dịp đầu năm mới là điều không thể thiếu. Câu chúc vừa thể hiện tình cảm của bạn tới người thân vừa mong muốn họ gặp được nhiều điều may mắn, thành công như lời chúc. Vậy nên, Tết năm nay bạn nhớ gửi lời chúc đến các thành viên trong gia đình đồng nghiệp và những người bạn nhé!

Trên đây là những thông tin liên quan đến lễ cúng giao thừa. Cảm ơn quý đọc giả đã theo dõi bài viết của nhà thờ họ. Nếu quý chủ đầu tư cần tư vấn thiết ké nhà thờ họ hoặc những công trình kiến trúc tâm linh có thể liên hệ với chúng tôi theo số điện thoại 0977. 703. 776 hoặc hòm thư điện tử thietkenhathohodep@gmail.com các kiến trúc sư của chứng tôi sẽ tư vấn cho quý chủ đầu tư nhanh nhất.

Đọc nguyên bài viết tại :
Bài cúng giao thừa đơn giản



source https://thietkenhathoho.com/bai-cung-giao-thua/

About nhà thờ

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét